Công ty TNHH nông thương Thái Thịnh Bình
CÔNG TY TNHH NÔNG THƯƠNG THÁI THỊNH BÌNH

QUY TRÌNH TRỒNG CÂY DÂU TÂY CHO KHU VỰC MIỀN BẮC, KHU VỰC TÂY NGUYÊN, KHU VỰC MIỀN NAM

 Hoàng Kiều Trinh   |    Ngày 16/08/2023

(Tài liệu tham khảo vì mỗi vùng và mỗi bà con lại có những kinh nghiệm riêng, nhưng mong là bà con lưu ý các điều dưới đây để có được cây chất lượng tốt, ít hư hỏng, chăm sóc hiệu quả)

  1. SAU KHI NHẬN CÂY MÔ VỈ:
  • Mở thùng, rải ra khu vực nền đất ẩm mát hoặc có bàn ươm thì rải ra bàn ươm, tưới nhẹ bằng xoa tưới.
  • Để cây hồi phục 1 ngày, ngày thứ 2 phun một liều thuốc ngừa nấm bệnh  DaLa vào lúc khoảng 3-4h chiều.
  • Ngày thứ 3, ra bầu ươm. Nên dùng giá thể ươm chuyên dụng chứ không nên dùng đất hoàn toàn để ươm cây trong bầu.
  • Sau khi ra bầu, che nắng, che mưa, tưới nhẹ vào mỗi buổi sáng – không nên tưới vào buổi chiều tối dễ gây nấm bệnh.
  • Sau 5 ngày trồng bắt đầu tưới phân.

        Cách 3 ngày tưới phân một lần.

  • Sau 15 ngày đến 20 ngày ra bầu, đem cây ra đất trồng.

CHUẨN BỊ TRỒNG DÂU TRÊN ĐẤT 1000M2

Bước 1: Bón vôi

  • Dọn sạch cỏ rác trên đất.
  • Đối với đất đã và đang canh tác các loại rau màu, có bổ sung vôi thường xuyên: kiểm tra pH đất, dâu tây thích hợp với khoảng pH từ 5,8 đến 7,2, cao hơn hoặc thấp hơn cây đều khó ra rễ. Nếu pH thấp muốn nâng lên thì dùng vôi, 3 tạ vôi cho 1 sào sẽ lên được 0,5 -1 tùy loại đất. Vôi rãi khắp mặt đất, tùy vùng đất trên vườn khác nhau mà pH khác nhau nên lượng vôi bón cũng khác nhau, tưới thật đẫm cho tan vôi, nước vôi thấm sâu vào đất. Nếu pH quá cao, nên đổ thêm 1 lớp đất mới dày khoảng 20 cm, đất ở Đà Lạt thường pH dưới 7,0.
  • Đối với đất từng trồng cúc hay các loại hoa: nên xử lý đất trước khi muốn trồng đối với 2 giống new zealand và mỹ albion.
  • Đối với đất mới khai phá, san ủi: thường pH rất thấp, bắt buộc bổ sung vôi.
  • Nên dùng vôi, không nên dùng các chế phẩm tăng giảm pH trên thị trường, vừa đắt vừa không hiệu quả, vôi vừa có tính khử trùng đất, diệt sạch mầm bệnh, rẻ, khi vào đất tạo ra Ca2+ để dành cho cây ăn và OH‑ giúp tăng pH đất, khử trùng đất.
  • Có thể bón thêm thuốc trừ nhớt, ốc, tuyến trùng ở giai đoạn này.
  • Tưới thật đẫm nước trong nhiều ngày, mỗi ngày 1 lần để tan triệt để vôi.

Bước 2: Bón phân nền.

  • Tùy kinh tế, phân dê và phân bò mỗi loại 300 bao sẽ khiến đất màu mỡ, cây dâu dễ sinh trưởng, ít bệnh liên quan đến dinh dưỡng.
  • Muốn cho dâu ngọt nên bổ sung 1-3 tạ phân gà hoai mục, do trong phân gà chứa nhiều kali hữu cơ.
  • Không sử dụng phân cá, phân cá quá nhiều muối giết hết vi sinh đất và làm hư bộ rễ, chỉ dùng được cá không muối.
  • Các loại phân cút hay phân heo nếu dùng cũng tốt.
  • Chỉ bón phân nền khi vôi đã tan hoàn toàn và đo thấy pH ổn định, tuyệt đối không rải phân chuồng trộn chung với vôi, vôi  sẽ phân hủy hết chất hữu cơ có trong phân.
  • Bón thêm lân nung chảy 50kg, lân Lâm thao 50 kg trong giai đoạn này.

Bước 3: Cày và lên luống

  • Cày không quá mịn, sẽ khiến đất khó thoát nước, viên đất còn như ngón chân là đẹp.
  • Luống 60 – 70 cm, rãnh 30cm.
  • Mặt luống nên bằng phẳng, tránh đọng nước, đọng sương, nên làm mặt luống mai rùa, dốc về hai bên.

  • Dồn ống nhỏ giọt vào giữa luống, nếu có dùng ống nhỏ giọt nên dùng 2 sợi cho 1 luống, .
  • Phủ bạt lên mặt luống và dùng đinh nhựa hoặc kẽm ghim xuống cố định bạt, có thể dùng bạt nilon đen hoặc dùng lưới lan, có thể dùng bạt chống cỏ, bạt điạ chất, có thể phủ lá thông...tùy chi phí đầu tư của nhà vườn . Mục đích là để trái dâu nằm trên đó, không tiếp xúc với mặt đất để không bị thối trái, yêu cầu bạt phủ sao cho khi tưới nước vẫn thoát và rút được nước.
  • Tiếp theo là đục lỗ trên bạt để lấy vị trí trồng dâu vào, 1 luống nên trồng hai hàng, so le nhau, hàng cách hàng khoảng 40 cm, cây cách cây 25 – 30 cm tùy giống dâu.

Bước 4:Trồng dâu:

1 sào dâu trung bình nên trồng khoảng 7000 cây là vừa đủ để đạt năng suất và dễ dàng chăm sóc.

Dâu khi trồng nên dùng cây con nuôi cấy mô để đảm bảo sạch bệnh, năng suất và chất lượng đồng đều, không nên mua cây con là cây ngó nếu không biết chắc chắn về nguồn gốc và độ tuổi của cây được dùng làm cây mẹ vì sẽ không đồng đều về năng suất, bệnh và côn trùng sâu nhện cũng rất nhiều, khó chăm về sau.

Trồng cây dâu lưu ý không nên trồng quá sâu hoặc quá nông, chỉ được trồng sao cho gốc nằm ngang với mặt luống, trồng sâu hơn cây dễ bị lỡ cổ rễ và chết.

Bước 5: Chăm sóc cây dâu:

  • Cây dâu ngay sau khi mới trồng xong phải được tưới nước thật đẫm để bầu rễ của cây và đất trên luống tan với nhau thành 1 thể thống nhất, tránh việc bộ rễ dâu bị khô sau trồng, dâu sẽ dễ chết.
  • Phun cho dâu 1 lần Monceren (pencycuron), liều 2 ml/1 lít nước vào ngày hôm sau khi trồng xong để phòng bệnh chết cây con và bệnh lỡ cổ rễ.
  • Tưới giữ ẩm liên tục trồng tuần đầu sau khi trồng để cây bén rễ, tưới thêm siêu Rễ DaLa để kích thích bộ rễ phát triển mạnh.
  • Trong tuần đầu tiên chưa nên cho ăn phân gì khác.
  • Dâu tây có 2 giai đoạn sống dễ thấy và phân biệt đó là giai đoạn nuôi cây và giai đọan nuôi trái, mỗi giai đoạn nhu cầu dinh dưỡng sẽ khác nhau, lượng phân và thành phần các loại phân cho 2 quá trình này như sau:
  • Giai đoạn nuôi cây:  giai đoạn này cây cần đạm và lân cao để hình thành và phát triển tốt thân, lá, rễ.
  • Bệnh giai đoạn cây con này thường gặp phải là sương mai, rỉ sắt, phấn trắng, lở cổ rễ, bệnh nguy hiểm nhất là fusarium và phytopthora. Sâu bọ giai đoạn này có sâu lá và sâu đất là nguy hiểm, nên có lịch phòng các loại này cho hiệu quả tốt hơn là điều trị khi đã có bệnh.

Giai đoạn nuôi hoa lấy trái:

  • Giai đoạn này cây cần lượng kali cao hơn để nuôi trái. Chú ý về bệnh nguy hiểm nhất vẫn là fusarium và phytopthora, còn về côn trùng nguy hiểm nhất là nhện đỏ và bọ trĩ, nên phòng ngừa kỹ càng, nếu xuất hiện nên diệt sớm.
  • TS cung cấp cây giống, dinh dưỡng chuyên dụng cho dâu tây, sản phẩm phòng và trị bệnh cho dâu tây, vật tư trồng dâu tây và tư vấn kỹ thuật tận vườn.
  • Liên hệ trực tiếp qua SĐT/ Zalo: 0363.441.549 để được nhận tư vấn trọn quy trình.

 

Chia sẻ bài viết:
Tags: cây giống dâu tây cây giống ống nghiệm dâu nhật dâu tây dâu tây quả ngọt dâu tây xứ nóng mô dâu tây Nông thương thái thịnh bình nuôi cấy mô nuôi cấy mô cây quy tình trồng dâu tây trúc sinh farm ts vật tư nông nghiệp
Viết bình luận của bạn:
Hotline 0353 736 874
Liên hệ qua Zalo
Messenger

Giỏ hàng